Mưa bão kéo dài khiến cho nhiều khu vực ngập lụt hưởng đến đời sống của người dân. Hay cả những khu vực không xảy ra mưa bão nhưng lại có triều cường cũng có thể ngập lụt. Khi đó nước tràn vào nhà sẽ làm ngập các thiết bị điện, kể cả máy giặt. Nếu xảy sự cố này, hãy tham khảo bài viết dưới đây để bảo vệ máy giặt của mình khỏi hư hỏng.
Nước là chất dẫn điện rất tốt. Máy giặt trong nhà bị thấm nước, ngập trong nước không những gây nên mối nguy hiểm đến tính mạng con người mà còn làm cho các thiết bị điện dễ bị hư hỏng. Thêm vào đó, việc không xử lý, vệ sinh sẽ làm cho bùn đất, cặn bẩn bám vào trong máy, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Bước 1: Ngắt tất cả nguồn điện của máy giặt
Đầu tiên, bạn nên ngắt tất cả nguồn điện của máy giặt đang bị ngập nước. Còn nếu trường hợp không kịp rút điện của máy giặt trước khi bị ngập nước, hãy ngắt điện cầu dao tổng. Trong suốt quá trình trước đó, bạn nên tránh xa nguồn phát điện và các thiết bị điện để đảm bảo an toàn.
Bước 2: Di dời máy giặt đến nơi khô ráo
Bạn nên di dời máy giặt đến nơi cao và khô ráo hơn để không làm cho thiết bị hư hỏng nặng. Nếu không kịp di dời nó đến nơi an toàn trước khi nước ngập, bạn hãy đợi đến khi nước rút đi. Bạn có thể mua thêm chân đế để nâng máy lên một khoảng vừa phải, hạn chế thân máy không tiếp xúc trực tiếp với nước khi xảy ra nước ngập.
Bước 3: Làm sạch các thiết bị, đồ dùng điện
Nước mưa, nước sông khi tràn vào nhà, thường làm cho bùn đất, chất bẩn bám vào máy giặt. Bạn cần phải lau chùi sạch sẽ các chất bẩn bám cả trong lẫn ngoài của máy giặt. Nếu để bùn bám vào thiết bị, sau một thời gian, bùn sẽ hút ẩm và làm hỏng thiết bị.
Sử dụng các dụng cụ và dung dịch vệ sinh máy giặt chuyên dùng, cùng nước sạch để làm sạch toàn bộ lồng giặt và các khay đựng bên trong. Tiếp đó, dùng khăn ướt lau rửa sạch vết bẩn bên ngoài máy. Cuối dùng khăn sạch lau khô và đặt máy ở nơi thoáng để ráo hết nước bên trong.
Bước 4: Làm khô các thiết bị, đồ dùng điện
Để loại bỏ hơi ẩm còn đọng lại trong máy, bạn cần làm khô để nó có thể hoạt động bình thường trở lại. Bạn có thể mở cửa máy giặt trong một thời gian dài để khô tự nhiên. Hoặc dùng quạt máy thông thường, thổi luồng gió mạnh vào thiết bị đang ẩm để nước bốc hơi, hong khô thiết bị, linh kiện đang bị ẩm ướt bên trong.
Bạn không nên dùng máy sấy nóng để làm khô. Vì các linh kiện điện tử không chịu được nhiệt độ cao của máy sấy.
Bước 5: Đo điện
Sau khi làm khô thiết bị điện xong, bạn không nên cắm điện chạy thử hay sử dụng ngay. Bởi nếu cắm điện vội vàng, thiết bị có nguy cơ chạm mạch, cháy, nổ do giữa các linh kiện vẫn còn ẩm, làm cho đồ điện dễ bị hư hỏng. Bạn cần tiến hành đo điện trở cách điện cho thiết bị. Sử dụng các dụng cụ đô chuyên dụng để đo lại điện trở máy và đảm bảo nằm trong khoảng an toàn, nhằm tránh sự cố rò rỉ điện trước khi vận hành máy trở lại.
Nếu không chắc chắn về kết quả sấy khô thiết bị hoặc không đo được điện trở máy và không chắc chắn về tình trạng của máy, bạn nên liên hệ các trung tâm sửa chữa, bảo hành để được tư vấn, sửa chữa kiểm tra lại thiết bị.
Mức độ hư hỏng của thiết bị sẽ phụ thuộc vào tình trạng ngập nước nhiều hay ít và thời gian ngập là bao lâu. Nhưng thông thường việc để máy giặt bị ngập nước đều sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động cũng như tuổi thọ.