Nghe thì có vẻ hơi vô lý thế nhưng đã có một số trường hợp đặc biệt chủ nhà lắp cả dàn nóng và dàn lạnh của điều cùng chung 1 phòng. Vậy hãy cùng tìm hiểu xem chuyện gì sẽ xảy ra trong quá trình sử dụng với mẹo vặt lắp đặt điều hòa “có một không hai” này nhé!
Nguyên lý hoạt động của điều hòa
Để trả lời cho câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ nguyên lý hoạt động của điều hòa.
Điều hòa không khí có 2 bộ phận được gọi là dàn nóng và dàn lạnh. Bên trong dàn lạnh có chứa một hệ thống ống tuần hoàn với dàn nóng để làm bay hơi một loại chất lỏng dễ bay hơi gọi là gas lạnh.
Khi chất lỏng này bay hơi trong dàn lạnh ở nhiệt độ thấp sẽ giúp thu nhiệt của không khí trong phòng. Nhờ vậy mà khí nóng ở trong phòng sẽ bị biến mất thay vào đó là hơi lạnh giúp nhiệt độ phòng giảm thấp.
Hơi do gas lạnh bay hơi tạo thành sẽ theo đường ống tới cửa hút của máy nén và được nén lên áp suất cao cùng nhiệt độ cao, sau đó tới dàn nóng. Hơi nén trong dàn nóng có nhiệt độ cao nên dễ truyền nhiệt cho không khí bên ngoài.
Lúc này hơi nóng sẽ được quạt ở dàn nóng thổi ra môi trường bên ngoài, còn bản thân hơi nóng bên trong dàn bị mất nhiệt sẽ ngưng tụ thành chất lỏng chảy qua đường ống mao dẫn để hạ áp suất và nhiệt độ chất lỏng xuống thấp rồi đi vào dàn lạnh lắp bên trong phòng.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi lắp dàn nóng và dành lạnh của điều hòa ở cùng 1 chỗ?
Theo như nguyên lý hoạt động của máy điều hòa thì dàn nóng của điều hòa buộc phải lắp bên ngoài phòng để làm nhiệm vụ đẩy khí nóng ra ngoài.
Nếu trong trường hợp vẫn cố tình lắp cả dàn nóng và dàn lạnh trong cùng một phòng thì sẽ dẫn đến hiện tượng khi mới bật thì nơi có dàn lạnh thổi ra sẽ mát còn nơi có dàn nóng thổi ra sẽ nóng.
Tuy nhiên, chỉ khoảng vài chục phút sau căn phòng sẽ trở lên nóng hầm hập vì hơi từ dàn lạnh thổi ra không thể đủ để trung hòa khí nóng từ dàn nóng.
Nguyên nhân bởi dàn nóng có nhiệt độ rất cao, cộng thêm quạt của dàn nóng có lưu lượng luân chuyển không khí lớn nên sẽ nhanh chóng làm nóng cả căn phòng. Chắc hẳn bạn cũng đã tưởng tượng thấy máy điều hòa phải “gồng mình” như thế nào để làm mát căn phòng.
Sự cố gắng làm việc đó của máy điều hòa sẽ đưa mức điện năng tiêu thụ lên mức cao nhất. Cách lắp đặt vô lý này sẽ khiến điều hòa nhanh chóng quá sức và bị hỏng chỉ sau một vài ngày sử dụng.
Như vậy có thể thấy việc lắp dàn nóng và dàn lạnh trong cùng một phòng sẽ dẫn đến hiện tượng phòng chẳng thể mát, thậm chí còn nóng hơn ở ngoài, điện năng tiêu thụ ở mức cao, máy phải làm việc quá sức và nhanh chóng bị hỏng.
Vì thế đừng dại dột làm điều bất hợp lý này khi lắp điều hoà cho nhà mình nhé! Nó chẳng những không kinh tế mà còn là nguyên nhân khiến điều hoà nhà bạn mau hư hơn mà thôi!